Nước có mặt ở khắp mọi nơi. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, trên bề mặt Trái đất có 1.385.920.456,9 kilômét khối nước. Tuy nhiên, chỉ không đầy 1% trong số này là nước sạch và có thể tiếp cận được.
Nước “sạch” có thể chỉ là một thuật ngữ mang tính tương đối. Trước năm 2009, các nhà quản lý liên bang Mỹ thậm chí không đặt ra yêu cầu buộc các hãng sản xuất nước đóng chai phải loại bỏ vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy E. coli.
Theo lý thuyết, nước trong tầng bình lưu góp phần dẫn tới hiện tượng ấm lên hiện tại của bầu khí quyển của trái đất. Điều này có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của các cơn bão nhiệt đới, vốn sẽ tùng thêm nhiều nước hơn nữa vào tầng bình lưu.
Tốc độ ấm nóng của bầu khí quyển trái đất chậm hơn trong thập kỷ qua có thể là do việc giảm 10% nước trong tầng bình lưu. Cho đến giờ, các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao lại như vậy.
Các nhà khoa học đã phát hiện những hồ chứa nước lớn dưới đáy đại dương. Trong thực tế, có thể có nhiều nước phía dưới các đại dương hơn là bên trong chúng.
Nếu không có nước, lớp vỏ đại dương sẽ không chìm vào lớp vỏ của trái đất. Và tất nhiên, trái đất có thể sẽ không có kiến tạo địa tầng, và hành tinh của chúng ta có lẽ sẽ giống sao Kim hơn: khủng khiếp và trì trệ.
Các bằng chứng gần đây cho thấy, khi hệ mặt trời được hình thành cách đây 4,5 tỷ năm, các sao chổi có lõi lỏng. Nếu như vậy, cuộc sống có thể đã bắt đầu trong một sao chổi.
Băng đá là một mạng lưới các phân tử tứ diện gắn kết với nhau và có chứa rất nhiều khoảng trống. Đó là lý do tại sao băng đá lại nổi. Ngay cả sau khi băng đá tan ra, một vài trong số những tứ diện này gần như luôn còn sót lại, giống như một mẩu nước đá nhỏ với chiều rộng tạo thành từ 100 phân tử.
Bạn có thể tự tạo ra nước bằng cách trộn lẫn hydro và oxy trong một hộp chứa và thêm một tia lửa. Thật không may, đó chính là công thức đã dẫn tới vụ nổ khinh khí cầu Hindenburg của Đức năm 1937, khiến 34 người thiệt mạng.
Các nhà khoa học đã tìm ra một công thức ít gây nổ hơn để chiết xuất năng lượng từ hydro và oxy. Loại bỏ các electron từ một số phân tử hydro, bổ sung thêm thật nhiều electron vào các phân tử oxy và kết quả là chúng ta có được một dòng điện. Đó là những gì xảy ra trong một tế bào nhiên liệu.
Những người làm vườn giỏi đều hiểu rõ, không nên tưới nước cho cây vào ban ngày. Các giọt nước bám vào lá cây có thể hoạt động như một kính lúp nhỏ, tập trung ánh sáng mặt trời và khiến cây bị thiêu đốt.
Lông trên da của bạn cũng có thể giữ các giọt nước. Một chân lông chưa bị cạo có thể bị cháy nắng nhanh hơn chân lông đã bị cạo.
Chúng ta có thể nhịn ăn hơn một tháng nhưng không thể nhịn khát dù chỉ vài ngày. Đơn giản, nước là nguồn tài nguyên vô cùng cần thiết cho sự sống. Chúng giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng đi khắp các cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, nước còn là loại “dầu nhờn” đặc biệt, giúp mất và các khớp linh hoạt hơn.
Mặc dù nhiều bác sĩ thường khuyên bệnh nhân uống 8 cốc nước mỗi ngày nhưng không có bằng chứng khoa học nào hậu thuẫn lời khuyên này. Lầm tưởng này có thể bắt nguồn từ một khuyến cáo năm 1945 rằng người Mỹ nên tiêu thụ khoảng “1 ml nước cho mỗi calo thực phẩm “, tương đương với 8 hoặc 10 cốc nước mỗi ngày. Nhưng khuyến cáo nói thêm rằng, phần lớn nước nên được hấp thụ từ thực phẩm – điều mà nhiều người dường như đã bỏ qua.
Uống nước quá nhiều hoặc nhiều hơn lượng cần thiết đáng kể có thể gây ra “nhiễm độc nước” và dẫn đến phù não và phổi, gây tử vong. Nhiều vận động viên chạy marathon nghiệp dư đã chết theo cách này.
Ngược lại, khi cơ thể thiếu nước, quá trình mất nước sẽ xảy ra. Một vài dấu hiệu nhẹ dễ thấy nhất như da ngứa và khô, mệt mỏi. Nghiêm trọng hơn, bạn còn cảm thấy kém tập trung, đau đầu, hoa mắt … Tình trạng mất nước kéo dài có thể ảnh hưởng đến huyết áp, sự lưu thông máu, hệ tiêu hóa và các chức năng thận.
Một thông tin có thể khiến nhiều người sốc: Hệ thống phục hồi nước mới trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đang tái chế 93% mồ hôi và nước tiểu của các phi hành gia và biến chúng trở thành nước có thể uống được.
Các ngôi làng người Kurd ở miền bắc Iraq hiện đang sử dụng một phiên bản di động của hệ thống xử lý nước của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) để làm sạch nước từ các sông, suối.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/nuoc-nhung-dieu-ban-chua-biet-30557.html